Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Nữ sinh tắm, thầy giáo gõ cửa "xin vào"

Khi tôi đang trần truồng như nhộng trong nhà tắm thì nghe thấy tiếng gõ cửa của kèm theo lời gợi ý "trao đổi" của thầy giáo: "Em mở cửa cho thầy vào đi! Thầy lên đây chỉ muốn giúp em đỡ vất vả trong đợt thực tế này và sẽ cho em có được kết quả cao nhất trong đợt báo cáo sắp tới".


Sau khi đọc bài “Sinh viên làm báo cáo… thầy giáo gạ làm tình”, tôi chợt thấy lạnh sống lưng khi nghĩ đến những ngày tháng đi thực tế ở Hoà Bình của mình.

Ngày ấy, nhóm chúng tôi gồm có 10 sinh viên đi khảo sát về vấn đề “Kế hoạch hóa gia đình”. Mặc dù chúng tôi cũng đã đi thực địa trước, cũng có một số người quen biết giới thiệu và được địa phương giúp đỡ rất tận tình… nhưng chúng tôi cũng không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, sợ hãi khi cả đoàn thực tập không có một cậu con trai nào.

Cả mười đứa chúng tôi quyết định thuê một ngôi nhà không có chủ đã được bỏ hoang mấy năm nay để ở. Cuộc sống nơi bản làng nghèo heo hút này thật sự khiến chúng tôi rất sợ hãi mỗi khi đêm về. Thỉnh thoảng lại có một vài nhóm trai bản đến chơi, gạ chúng tôi uống rượu cần hay có nhã ý mời chúng tôi đi đâu đó vui chơi. Mặc dù là con gái nhưng chúng tôi cũng khá niềm nở với mọi người, dù không nhận lời đi chơi với họ nhưng chúng tôi rất biết cách từ chối khéo léo để vừa không mất lòng họ, vừa làm tốt công việc của mình…


Ở nơi không có sóng điện thoại này, chúng tôi chẳng thể liên lạc với ai, cũng chẳng có internet để chuyện trò với bạn bè, người thân. Mỗi lần có việc gì gấp, chúng tôi lại mượn xe đạp của dân bản để ra bưu điện xã gọi về cho mọi người… Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu vất vả… chúng tôi đều động viên nhau vượt qua để có được kết quả báo cáo tốt nhất cho cả nhóm…

Vì phải khảo sát về chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình” nên chúng tôi gặp không ít trở ngại khi hỏi người dân ở đây về những biện pháp kế hoạch hóa gia đình… Và điều đáng ngạc nhiên là hầu hết những người dân ở đây không biết bao cao su là gì.

Họ không có một biện pháp tránh thai nào… cứ mỗi lần dính bầu, họ cứ thoải mái sinh con với tư tưởng “Trời sinh voi trời sinh cỏ”… Nhưng điều khiến chúng tôi dở khóc, dở mếu ở đây là khi phát bao cao su cho người dân và hướng dẫn họ cách sử dụng để phòng chống có thai ngoài ý muốn thì hôm sau, cả lũ chúnh tôi mắt tròn mắt dẹt khi thấy đám trẻ con trong bản thi nhau thổi bóng “bao cao su” và tung tẩy chạy khắp bản làng.

Bỗng, tôi như muốn ngã ngửa trong nhà tắm khi nghe giọng nói của thầy giáo

Vì tình hình không được khả quan cho lắm, cộng với sự thiếu hiểu biết của đa số người dân trong bản nên nhóm trưởng quyết định gọi điện về nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo chủ nhiệm. Và cả nhóm thật không ngờ, chỉ tối hôm đó, thầy giáo đã có mặt tại bản làng heo hút này.

Chúng tôi quyết định ngăn cái phòng lớn ấy thành hai phòng nhỏ. Một để cho mười đứa chúng tôi, một để cho thầy giáo chủ nhiệm… Bọn con gái chúng tôi cảm động đến rơi cả nước mắt khi được thầy quan tâm và nhiệt tình giúp đỡ như vậy…

Nhưng dường như chủ đích của thầy lên đây khác hẳn với những gì chúng tôi mong đợi và kì vọng. Tối hôm sau, đoàn thanh niên địa phương mời chúng tôi đến giao lưu văn nghệ, cả nhóm chúng tôi và thầy giáo đã đi ra sân vận động xã để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ từ lúc chiều. Cũng vì nghĩ dân bản hiền lành nên tôi cũng chẳng để ý gì khi mang quần áo vào nhà tắm để tắm giặt.

Khi tôi đang tắm rửa thì chợt nghe được tiếng gõ cửa liên hồi. Mặc dù rất lo sợ nhưng tôi vẫn cố giữ giọng bình tĩnh để hỏi “Ai đấy”… Bỗng, tôi như muốn ngã ngửa trong nhà tắm khi nghe giọng nói của thầy giáo “Thầy đây! Em mở cửa cho thầy vào đi! Thầy lên đây chỉ muốn giúp em đỡ vất vả trong đợt thực tế này và sẽ cho em có được kết quả cao nhất trong đợt báo cáo sắp tới”. Đến đây thì tôi đã hiểu được mục đích của thầy giáo mình! Không ngờ một con người hiền lành, đức độ, tốt bụng mà bao thế hệ sinh viên đã không tiếc lời khen ngợi thầy… lại bị xóa sạch trong tâm trí tôi trong chớp mắt.

“Em xin lỗi! Thế thì thầy vào nhà chờ em 5 phút nữa. Rồi hai thầy trò mình nói chuyện nhé thầy! Cái nhà tắm vừa nhỏ, vừa lắm đồ đạc… không tiện cho hai thầy trò mình nói chuyện lắm thầy ạ!” – Tôi không ngờ lúc ấy, mình vẫn đủ bình tĩnh để nói với thầy như vậy!

- Mở cửa cho thầy vào một lúc thôi! Thật sự thầy rất quý mến em! Quý em từ ngày đầu tiên thầy bước vào lớp nhận chủ nhiệm. – Thầy vẫn không thôi năn nỉ ỉ ôi.

- Em biết thầy rất quý sinh viên của mình. Và em cũng biết là thầy rất hay giúp đỡ sinh viên. Nhưng thầy ạ! Em sẽ không làm phiền thầy đâu! Vì em biết mình có khả năng đạt điểm cao trong đợt báo cáo đợt thực tế này… Cho nên thầy không phải lo lắng cho em đâu thầy ạ! – Tôi vừa khéo léo nói chuyện, vừa vội vàng khoác quần áo vào người.

- Thầy… thầy chỉ muốn….

Bất ngờ tôi đẩy mạnh cửa, bê cả chậu quần áo va vào người thầy giáo rồi đặt mạnh xuống hiên nhà và không quên “nhắc nhở” thầy: “Đã đến giờ rồi thầy ạ! Thầy ra nhanh lên không lại muộn buổi giao lưu đó. Em ra trước đây ạ!”.

Câu chuyện của tôi chỉ là một câu chuyện nhỏ trong số rất nhiều sinh viên nữ phải trải qua những
cám dỗ trong môi trường giáo dục

Tôi vội vội vàng vàng đi ra sân vận động xã, lòng vẫn không khỏi thâp thỏm sợ hãi… Không ngờ, mình lại có thể bình tĩnh để đối mặt với một tên “yêu râu xanh” đội lốt trí thức như vậy!

Câu chuyện của tôi chỉ là một câu chuyện nhỏ trong số rất nhiều sinh viên nữ phải trải qua những cám dỗ trong môi trường giáo dục. Tôi muốn viết lên câu chuyện của mình để chia sẻ với các bạn và mong muốn các bạn hãy mạnh mẽ, bản lĩnh để đối mặt với cái xấu, cái ác… và dập tắt những động cơ xấu xa của những con người vẫn ngày ngày đứng trên giảng đường giảng dạy cho chúng ta về đạo đức, về nhân cách con người… nhưng bản thân họ lại không thể thắng nổi những ham muốn xấu xa, dục vọng đê hèn và gây khó khăn, áp lực cho sinh viên nữ của mình!

Hi vọng, những dòng tâm sự của tôi có thể giúp các bạn có cách nhìn sáng suốt và chín chắn hơn! Hãy nhớ rằng, trong môi trường Đại học, điểm số không phải là điều quyết định tất cả! Quan trọng hơn hết, đại học là môi trường tự học, tự rèn luyện, tự nâng cao ý thức và khả năng học hỏi của mình!
Chúc các bạn luôn thành công!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến