Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Học trong khu bảo tồn thiên nhiên

 

 

 Đọc E_paper 

 

  cù lao chàm 
Khi ngồi bên bờ biển Cửa Đại, nhìn những chiếc ca nô cao tốc rẽ sóng ra khơi mang theo khách   du lịch   đang hăm hở đi tận hưởng thiên nhiên ở Cù Lao Chàm, nhiều khi bỗng tự hỏi, có bao nhiêu người trong số khách ấy ý thức được họ đang đến với một nơi mang danh phận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, hay đơn thuần chỉ là sự hấp dẫn của một bãi biển đẹp, một địa điểm ngắm loài san hô kỳ thú, và kết thúc hành trình thật mỹ mãn bằng chụp ảnh các món ngon hải sản địa phương và đưa lên Facebook khoe với bạn bè?

 

Từ Đà Nẵng, các công ty du lịch báo giá tour 500 ngàn đồng/khách, một cái giá quá rẻ so với những giá trị Cù Lao Chàm đang sở hữu với tư cách là một Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Đã 4 năm, kể từ khi nơi này được mang danh hiệu quý giá đó và cũng là thời gian đón từ vài ngàn khách/năm đến hai trăm ngàn khách/năm. Quả là một sức ép khủng khiếp dưới mắt nhìn của những nhà quy hoạch và quản lý nhà nước!

Quảng Nam có rất nhiều kinh nghiệm bảo tồn di sản Hội An và Mỹ Sơn, 4 năm qua Cù Lao Chàm hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn của tỉnh Quảng Nam, với thế mạnh về du lịch sinh thái, biển đảo. Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất tại Việt Nam với hơn 300 loài san hô, có 97 loài thân mềm có liên hệ với các rạn san hô, 270 loài cá rạn thuộc.

Nổi trên mặt biển là những hòn đảo nuôi yến thiên nhiên cho ra đặc sản yến sào Cù Lao Chàm nổi tiếng. Không chỉ nổi bật với hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú, cảnh quan hoang sơ độc đáo, Cù lao Chàm còn được biết đến như một địa chỉ văn hóa lịch sử nổi tiếng với các di tích, công trình kiến trúc cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt.

Đó là những gì thiên nhiên để lại. Còn con người? Còn nhớ cách đây 4 năm, ngày Cù Lao Chàm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, nói với chúng tôi "Có một cảm giác rất bất an khi hòn đảo này được định nên danh phận như vậy, bởi vì người dân với lối sống thô mộc nơi đây, thiên nhiên hoang dã có thể "đề kháng" được dòng người du lịch kéo đến ngày càng đông và mang theo gánh nặng ô nhiễm môi trường sinh thái và xáo trộn văn hóa?".

 

Ông Nguyễn Sự trò chuyện với người dân
Điều ông Sự lo lắng là đúng. Tại Hội nghị Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, các báo cáo tổng kết cho thấy mô hình thành công đều nằm ở nước phát triển, các bài học thất bại đều nằm ở những nước kém phát triển tương tự Việt Nam. Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm liệu có vượt thoát số phận đó, khi chưa có một hình mẫu nào đúc kết được kinh nghiệm dù Việt Nam có 6 khu như vậy được thế giới công nhận.

 

Thời gian đã có câu trả lời khi chính quyền Hội An lại là nơi đề ra các sáng kiến vô cùng thú vị để tạo ra sự đặc biệt về điểm đến. Đó là nơi duy nhất tại Việt Nam thực hiện hòn đảo không sử dụng bao ni lông và xử lý rác thải theo phân loại. Người dân Cù Lao Chàm không dùng túi nylon để gói hàng bán cho khách, họ sử dụng giỏ xách nhựa đi chợ.

Vùng biển không có rác thải, dù lượng khách đến đây có lúc gần 4.000 lượt/ngày. Người ta buộc những cây tre thả ở chân đảo để ngăn rác không trôi ra biển và vớt rác phân loại xử lý. Chính quyền nơi này đã hợp tác với các tổ chức quốc tế trong bảo vệ thảm san hô ven đảo, cấm bắt loài cua đá trên núi và nhiều loại sinh vật biển vốn là đặc sản du khách rất ưa thích.

Nếu dừng lại là một hòn đảo phát triển du lịch, Cù Lao Chàm vẫn còn rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Khi nghỉ ngơi tắm biển, ăn đặc sản, nhiều khách vẫn chưa hiểu hết những giá trị họ đang tận hưởng.

Các công ty du lịch vẫn dừng lại một tour   du lịch biển   đơn thuần. Với những thành quả về bảo vệ môi trường thiên nhiên, Cù Lao Chàm phải đăng ký thương hiệu du lịch nổi bật "Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm" và làm cho du khách hiểu hết được giá trị của thương hiệu này, đồng ý mua sản phẩm đúng với giá trị thật mà nơi này đang sở hữu.

 

Du khách cần được hướng dẫn để có thực tế một chuyến đi không được sử dụng túi ni lông, cách giải quyết những khó khăn đó của người địa phương và tập thói quen mới trong môi trường nghiêm ngặt về vệ sinh rác thải, bảo tồn sinh vật biển. Những tour đi xem nông dân trồng san hô dưới đáy biển như những khóa học đặc biệt chỉ có ở các khu bảo tồn thiên nhiên.

 

Đó là những trải nghiệm lạ không phải tour du lịch nào cũng có, mà còn là hiếm, giúp du khách trân trọng điểm đến. Những chuyến lặn biển ngắm san hô rất cần quy trình giải thích về quá trình trồng và giám sát rặng san hô của các tổ chức nghiên cứu và bảo vệ môi trường quốc tế.

Ngay con người, những cư dân Cù lao Chàm từ những ngư dân bình thường, nay đã là những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền du khách bảo vệ môi trường.

Tất cả những điều này là giá trị nhân văn và ứng xử hiện đại với môi trường sống mà du khách phải cảm nhận được thì Cù Lao Chàm mới phát huy được thế mạnh là một Khu Dự trữ sinh quyển "hàng hiệu" về môi trường. Đi học trong khu bảo tồn thiên nhiên rất có thể là một tour "hàng hiệu" đem lại cảm giác khác lạ và niềm tự hào cho chính du khách.

Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển nói: "Khu dự trữ sinh quyển không phải là hòn đảo trơ trọi giữa tác động nhiều mặt của con người, mà là thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Khu dự trữ sinh quyển thể hiện rất nhiều chức năng so với khu bảo tồn thiên nhiên thông thường".

 

Hiểu theo ý của ông thật cụ thể, thì mỗi một khu dự trữ sinh quyển là một cơ hội để chính quyền và người dân hợp tác xây dựng một mô hình giải quyết mâu thuẫn giữa sự thèm khát đất đai mãnh liệt của con người và bảo vệ sự đa dạng sinh học".

 

Ông đánh giá những sáng kiến chính quyền thực hiện tại Cù Lao Chàm - Hội An là tạo nên một mô hình đáng tự hào của Việt Nam, mở ra cho người ta niềm tin, việc bảo tồn thiên nhiên có thể đem lại ích lợi về kinh tế ngay lập tức.

Việt Nam có 8 khu dự trữ sinh quyển bao gồm Cần Giờ, Cát Bà, Biển đảo Kiên Giang, Cát Tiên, Châu thổ sông Hồng, Mũi Cà Mau, Miền Tây Nghệ An và Cù Lao Chàm. 7/8 khu này là những cái tên luôn nằm trên danh sách kêu cứu về sự xâm lấn đất đai và tàn phá thiên nhiên không kiểm soát nổi.

Một chuyên gia UNESCO đã kết luận rất hay thế này: "Chỉ có những con người lười suy nghĩ, ít hành động thì mới bị chết đói trên những di sản văn hóa, thiên nhiên mà cha ông để lại cho họ, và họ cũng chẳng có gì để lại cho con cháu mai sau".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến