Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Du lịch Việt Nam tăng trưởng gấp đôi sau 4 năm!

 Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc! 

Trước hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định đây là hội nghị rất quan trọng để cùng chia sẻ, thảo luận về những vấn đề mang tính chất định hướng đảm bảo cho sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành   du lịch   Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài.

Hội nghị về “Chính sách du lịch có trách nhiệm” tổ chức ngày 14/11 tại Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tuy tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng du lịch Việt Nam năm 2013 vẫn giữ được tăng trưởng đáng ghi nhận. Trong 10 tháng đầu năm, ngành du lịch cả nước đón 6.119.000 lượt khách quốc tế, tăng 10,4% so với cùng kỳ; và 32,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu trực tiếp từ khách du lịch (chưa tính chi phí vé máy bay quốc tế) đạt 165.000 tỉ đồng. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này và không bị các yếu tố bất trắc tác động, khả năng năm nay Việt Nam sẽ đón được từ 7,4 – 7,5 triệu lượt khách quốc tế.

&Ldquo;Điều ấy có nghĩa chúng ta đã tăng trưởng gấp đôi sau 4 năm (2009 - 2013) và về đích trước 2 năm so với mục tiêu mà Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đề ra. Chiến lược được đề xuất cuối năm năm 2010, được Thủ tướng phê duyệt và ban hành năm 2011, dự báo đến năm 2015 đạt 7 – 7,5 triệu lượt khách quốc tế và 36 – 37 triệu lượt khách nội địa. Nhưng mục tiêu này chúng ta gần như đã thực hiện được trong năm nay. Kết quả này trước hết thuộc về các địa phương, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm du lịch và cộng đồng doanh nghiệp với sự năng động, sáng tạo đã là yếu tố mang tính chất động lực cho thành tựu đạt được trong thời gian qua!” – ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Ông Bryan Fonary, Phó ban Hợp tác phát triển, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cũng nhận định, 3 năm qua, khi EU tiến hành hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án “Phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội”, đã ghi nhận những thành công rất đáng kể, đặc biệt là lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng từng ngày, từng giờ với tốc độ đáng kinh ngạc. Du lịch chính là một trong những chìa khóa tạo ra sự tăng trưởng GDP cho Việt Nam trong thời gian qua.

  
 Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Qua 4 năm (2009 - 2013), du lịch Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi! (Ảnh: HC) 

 Du lịch có trách nhiệm là lựa chọn duy nhất cho tương lai 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là năng lực cạnh tranh và tính bền vững của điểm đến. Đây chính là hai yếu tố có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển và hiệu quả của ngành du lịch trước mắt và lâu dài.

Thực tiễn trong giai đoạn vừa qua cho thấy, để du lịch Việt Nam có thể phát triển bền vững cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng và trách nhiệm của các thành phần liên quan. Đặc biệt, hoạt động du lịch có khả năng thu hút và cần có sự tham gia rộng rãi các thành phần xã hội. Do vậy các chính sách phát triển du lịch cần hướng tới việc khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả KT-XH, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Theo ông Bryan Fonary, để du lịch mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho quốc gia thì yếu tố rất quan trọng là chất lượng dịch vụ ngày càng cao hơn khiến du khách cảm thấy hạnh phúc hơn, từ đó đem lại nhiều lợi nhuận hơn thông qua hoạt động kinh doanh của ngành du lịch và các ngành liên quan. Trong quá trình đó, EU nhận thấy việc hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, cam kết sự tăng trưởng bền vững đóng vai trò rất quan trọng nhằm tạo ra và đẩy mạnh thị trường du lịch hai chiều giữa EU và Việt Nam.

Ông Bryan Fonary, Phó ban Hợp tác phát triển, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam: "Du lịch có trách nhiệm là lựa chọn duy nhất đối với ngành du lịch mang tính cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao với những sản phẩm và dịch vụ tốt!" (Ảnh: HC)

&Ldquo;Chúng tôi nhìn nhận du lịch có trách nhiệm là phương thức để đạt được chất lượng tốt hơn, đem lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho Việt Nam và các đối tác khác. Du lịch có trách nhiệm là lựa chọn duy nhất đối với ngành du lịch mang tính cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao với những sản phẩm và dịch vụ tốt. Du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam sẽ mở ra các thị trường cao cấp, gia tăng trải nghiệm của du khách và sự hài lòng của họ, đóng góp cho sự thịnh vượng của kinh tế và xã hội Việt Nam!” – ông Bryan Fonary nhấn mạnh.

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị cũng nêu rõ, du lịch có trách nhiệm nhằm cung cấp các kinh nghiệm tích cực cho du khách và cộng đồng dân cư địa phương, nâng cao nhận thức về sự tôn trọng môi trường và văn hóa, giảm thiểu tác động tiêu cực từ phát triển du lịch, hướng sự tập trung tới người nghèo, trao quyền cho người dân địa phương, thông qua du lịch để tối đa hóa thu nhập và việc làm. Do vậy, việc đề xuất và thực hiện các chính sách phát triển du lịch bền vững, coi phát triển du lịch có trách nhiệm là con đường dẫn đến sự thành công có vai trò hết sức quan trọng đối với tương lai của ngành du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay, hiện EU cùng các đối tác Việt Nam đang xúc tiến nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện bộ công cụ có tính cẩm nang để hướng dẫn về du lịch có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Sau khi hoàn thành, cuốn cẩm nang này sẽ được phổ biến tới các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác hữu quan và người dân để nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn quản lý, kinh doanh cụ thể của mình nhằm tạo sự kết nối và phát huy thực sự có hiệu quả nguồn lực du lịch của đất nước.

&Ldquo;Sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đề cao các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội đang được tích cực bổ sung vào các chính sách, quy hoạch phát triển du lịch và công tác quản lý du lịch!” - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay.

HẢI CHÂU

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến