Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Hành trình khám phá trong rừng sâu và “xuống” núi thẳm ở Phong Nha

Ngược về phía Tây Bắc, cách thành phố Đồng Hới 50km, là Vườn Quốc Gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Ngay từ đầu đường mòn Hồ Chí Minh rẽ vào, khung cảnh núi non hùng vĩ hiện lên trong ánh nắng mờ ảo giống như một lời mời hứa hẹn đầy thú vị trong chuyến đi khám phá vẻ đẹp huyền diệu của quần thể hang động nơi đây.

Được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng có quần thể gồm hơn 300 hang động lớn nhỏ khác nhau với diện tích 200.000ha nằm trong khu vực núi đá vôi cổ nhất Châu Á. Có 2 hệ thống hang chính là hang Phong Nha có tổng chiều dài 5.076m và hang Vòm có tổng chiều dài 36.063m. Với các đặc trưng: có sông ngầm dài nhất, các hang có chiều cao và rộng nhất, các bãi cát trong hang dài nhất và có thạch nhũ đẹp nhất. du lịch hang động vùng này đang trở thành điểm đến thu hút với vẻ đẹp kỳ ảo của động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Tối, hang Én, hang Sơn Đoòng... Mới đây, lại thêm 41 hang động lớn nhỏ vừa được phát hiện cũng là kho tàng những giá trị tiềm ẩn và đầy kỳ thú của miền đất Di sản này.

Đi lang thang khám phá vùng hang động Quảng Bình, cảm giác chinh phục và thách thức luôn khiến bạn thấy kích thích hấp dẫn. Cứ hang sau lại khó hơn một chút để đến và khám phá nhưng cảnh sắc đẹp hơn và hoang sơ hơn nhiều. Chặng đầu tiên của chuỗi khám phá là động Thiên Đường. Bước qua 524 bậc đến trước một cửa hang nhỏ chỉ đủ lách cho từng người vào. Cảm giác lần đầu khi bước chân vào cửa động với làn không khí lạnh, ẩm, ướt và mênh mông của những kiến tạo thạch nhũ từ trên cao nhìn xuống khiến chúng tôi thấy giống như đang lạc vào xứ sở không tưởng.

Đi trên cây cầu gỗ dài 1500m xuyên qua những lớp thạch nhũ xếp thành tầng tầng lớp lớp cùng với ánh sáng đèn chiếu sáng hai bên tạo nên không gian kỳ ảo, lung linh khiến người tham quan thoải mái bay bổng trí tưởng tượng của mình. Hết đoạn đường 1500m trên chiếc cầu gỗ, bất chợt con đường dừng lại. Một cảm giác hẫng hụt xen lẫn vui mừng thú vị.

Lâu nay du khách chơi động Thiên Đường  chỉ vào sâu 1,5km là hết. Nhưng thực ra từ điểm dừng chân cuối này, động Thiên Đường còn vào sâu được 7km nữa. Đứng đây căng mắt nhìn xa hút vào lòng động tối thui sâu thẳm, thấy thật háo hức. Vì nếu đi tiếp chiều dài 7km này, động Thiên Đường thực sự sẽ cho ta khám phá hết sự nguyên sơ của lòng núi đá vôi có gần 400 triệu năm kiến tạo của Phong Nha- Kẻ Bàng và mới thấy được hết sự tráng lệ, không khác gì những “hoàng cung” lộng lẫy trong lòng đất.

Chúng tôi tiếp tục hành trình của mình, nhưng khác với du lịch 1500m trên cây cầu gỗ, đoạn đường 7km này được tập đoàn Trường Thịnh đưa vào theo hướng phát triển du lịch mạo hiểm. Với 1 chiếc đèn pin nhỏ gắn trên mũ đội đầu và các thiết bị chuyên dụng, trên chiều dài khám phá ấy, ánh sáng từ những chiếc đèn pin như bị nuốt chửng, không thắng nổi trước bóng đêm đen đặc. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp nhiều khối thạch nhũ kỳ lạ được tạo nên trên vách động hoặc dưới nền đất đá. Nhiều chỗ thạch nhũ vẫn đang được tạo nên nhờ những giọt nước rỉ rả nhỏ một cách bền bỉ từ trần động xuống, tất cả như mê hoặc các thành viên trong đoàn. Và khi đến điểm cuối cùng của động, từ chỗ chỉ với bóng tối dày đặc, mắt chúng tôi bỗng bị chói lòa vì trên trần động có một giếng trời cao gần 100m rọi ánh mặt trời thẳng xuống lòng động. Bên dưới khoảng sáng đó là bãi đá và dòng suối ngầm chảy ào ạt như trong rừng cây. Đó chính là một nét độc đáo nữa mà ít hang động khác có được.

Theo tiến sĩ Howard Limbert, chuyên gia của Hiệp hội thám hiểm Hoàng Gia Anh chia sẻ: “Khám phá hang động là công việc thú vị song cũng không kém phần nguy hiểm, đòi hỏi những người tham gia ngoài sức khỏe, sự can đảm còn cần được trang bị kiến thức nhất định về hang động, địa chất, khảo cổ cùng những kỹ năng leo núi, bơi, lặn…Trải qua hơn 400 triệu năm kiến tạo địa chất, các dãy núi đá vôi trong vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng vẫn liên tục phát triển và có thành phần tương đối đồng nhất. Sau mỗi chuyến thám hiểm của chúng tôi trong những năm qua, núi rừng Phong Nha  – Kẻ Bàng lại hé lộ những kho báu mới chứng tỏ sự vô tận về tài nguyên du lịch của vùng đất này”.

Rời động Thiên Đường, chúng tôi tiếp tục khám phá những giá trị đa dạng sinh học ở Thung lũng Sinh Tồn nằm trong phân khu Dịch vụ - Hành chính của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cách động Phong Nha 15 km về hướng Tây Nam. Hành trình khám phá khu rừng nguyên sinh này không hề đơn giản chút nào, bởi phải leo trèo và mất khá nhiều sức trên quãng đường đi, nhưng sự trải nghiệm 5km đường rừng tới Thung lũng Sinh Tồn khiến chúng tôi không ngờ giữa cánh rừng Trường Sơn đất Quảng Bình lại vẫn còn tồn tại một “bảo tàng sống” mà hệ thống địa chất, địa mạo của hang động đến suối ngầm và hệ động thực vật có giá trị đa dạng sinh học cao vẫn được bảo tồn một cách hoàn hảo.

Sau khi hơn hai giờ đồng hồ, len lỏi vượt qua nhiều dốc đá khe suối để đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, chúng tôi đi kayak xuôi theo con sông Chày trong vắt nguyên sơ. Cảnh quan dọc hai bờ sông thực sự thu hút hút tầm mắt của du khách bởi những rừng cây nguyên sơ với nhiều tầng cây, hoa nở rất đẹp. Những mỏm đá có hình thù kỳ lạ và nên thơ nhoài ra mép nước, có nơi tạo thành quần thể đảo đá như vịnh Hạ Long thu nhỏ. Thiên nhiên hùng vĩ như cuốn hút chúng tôi trong suốt cuộc hành trình.

Cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của Việt Nam hiện còn rất nhiều địa điểm chưa khám phá hết, trong đó Quảng Bình, nơi đã nổi tiếng với những bãi biển xanh có những bờ cát dài vô tận cùng hệ thống hang động huyền ảo và những giá trị về đa dạng sinh học, sẽ trở thành điểm du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Sự hoang sơ của thiên nhiên nơi đây cần được bảo vệ nhưng phải xuất phát từ ý thức mỗi du khách chứ không chỉ bảo tồn hình thức với những tấm bằng. Bởi trên thực tế, cứ nơi đâu nhận bằng di tích cần gìn giữ là nhìn rõ thấy luôn nguy cơ mọi sự hoang sơ sắp sửa bị phá nát để “đập đi, xây lại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến