Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Bộ sưu tập tem của Nội


Mười tuổi, lần đầu tiên thằng bé biết con tem không chỉ được dùng để gửi thư. Đấy là khi nó tình cờ lật cuốn sổ tem của ông Nội ra. Ôi, cơ man là bao nhiêu con tem đủ mọi màu sắc, hình dáng, cũ có, mới có, tem lẻ có, thành bộ có, tem “sống” và cả tem “chết”. Nội quan sát nó ra chiều chăm chú vậy, bật cười:


Bộ sưu tập tem của Nội
ảnh minh họa

“Gia tài của Nội đó cháu, cháu có muốn trở thành một nhà sưu tập tem không?”
Nó nhìn Nội, tròn xoe mắt, gật đầu lia lịa.
Thằng bé học lớp 5, tròn quay, Nội vất vả lắm mới bế nó lên ngồi vào lòng được. Đây này, để Nội chỉ cho cháu. Vừa nói Nội vừa lật từng trang cuốn sổ tem dầy cộm. Nó ngó thấy đủ mọi loại hoa lá, chim chóc, thú vật…. Nhiều quá Nội ơi, đẹp quá à!
Nội xoa đầu thằng cháu yêu, với tay mở trong hộc bàn lấy kiếng lão đeo vô, rồi đưa cho nó cái kính lúp.
“Muốn xem hết cái đẹp, cái hay của tem thì phải nhờ anh bạn kính lúp này, cháu ạ.”
Nó soi soi, dí mắt vào cái kính. Ô, mấy cái chấm li ti hóa ra đều là chữ cả. Rồi những đường nét, hoa văn nữa, đẹp quá, nhìn xa thì không cách nào trông thấy được.
Giống Nội, thằng bé bắt đầu mê mẩn những con tem xíu xiu từ ngày ấy.
Nội đã hơn bảy mươi rồi, nhưng còn khỏe lắm, minh mẫn lắm. Sáng nào Nội cũng thức từ sớm, ra công viên tập dưỡng sinh hít vào thở ra. Nội bảo: mỗi người phải lấy sức khỏe là gốc, không có sức khỏe thì chẳng làm nổi chuyện gì nên hồn, nhớ nhé cháu. Thằng bé đang có dấu hiệu béo phì. Mẹ nó lo lắm, bắt nó giảm cân, nhịn ăn, tập thể dục. Khổ thân thằng bé, chỉ có ăn và học, thời gian còn lại ngồi ì xem ti vi, chơi điện tử trên máy tính, lại càng lên cân. Rồi chẳng hiểu sao cứ ốm lên sốt xuống. Gầy quá cũng sợ, mà béo quá cũng lo. Mẹ nó thở dài sườn sượt.
Bố mẹ mua nhà ở trung tâm, tiện đường đi làm, chở con đi học. Đến cuối tuần thứ bảy chủ nhật mới kéo về thăm ông bà. Thấy cháu về ông bà Nội mừng lắm, cứ quấn lấy nó. Bà Nội nấu chè đậu xanh. Ông Nội dắt cháu đi chơi.
Sáng chủ nhật ông đèo cháu đến một chỗ gọi là hội chơi tem. Thằng bé được mở mang thêm, không chỉ Nội mà còn rất nhiều người cùng sở thích sưu tầm những miếng giấy tuy nhỏ lại lắm mãnh lực này.
“Đã say mê tem rồi, yêu tem rồi thì không bao giờ dứt ra được, cụ nhỉ!”
Một ông bác ở hội đã tặc lưỡi tâm đắc thế, lúc ngồi tán gẫu với Nội và nhiều người nữa. Gọi là hội nhưng giống như một chỗ họp mặt hơn. Đủ mọi lứa tuổi từ thanh niên, trung niên cho đến người già, họ đem tới những nào sổ tem, bộ tem, con tem mình cất công sưu tầm, nâng niu cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Khi trao đổi, lúc mua bán, người chỉ ngồi yên cầm kính lúp vừa soi tem vừa gật gù, người khác am tường kể cho mọi người cùng nghe xuất xứ, nguồn gốc con tem quý hiếm vừa “tậu” được. Lạ lùng thay, nơi đây ai cũng rất say sưa, không khí toát lên một vẻ dịu dàng tao nhã.
Nội mua cho nó một cuốn sổ tem mới tinh.
“Làm nhà sưu tập thì điều đầu tiên nhất định phải có nơi cất giữ tem. Sổ tem được người ta thiết kế ra để bảo quản tem luôn được tốt. Cháu đặt tem vào dưới miếng ni-lông này, vừa giữ tem nguyên vẹn vừa tiện cho mình quan sát.”
Nó toan cầm một “con” lên xem thì Nội ngăn lại, đưa cho cây nhíp. Tem chúng nó mỏng manh, yếu ớt lắm cháu, tay mình chỉ hơi dơ hơi ẩm là tem bị liên lụy ngay. Vì thế lúc nào cháu nhớ cũng phải thủ sẵn cây nhíp nhỏ để gắp tem. Nội giảng giải cho nó bao nhiêu điều căn bản, mọi người ngồi quây quần vừa nghe vừa cười tủm tỉm:
“Khéo sau này bộ sưu tập của cháu nó còn đồ sộ hơn cụ đấy nhé!”
* * *
Mười hai tuổi, thằng bé đoạt giải khuyến khích cuộc triển lãm tem thư của thành phố tổ chức. Cầm bằng khen về khoe Nội và cô bác ở hội, ai cũng xuýt xoa. Hai năm sưu tầm, giờ đây bộ sưu tập của nó đã kha khá với hàng trăm con tem lớn nhỏ đủ loại. Nó thích nhất là sưu tầm tem các loài động vật. Mà càng sưu tầm, càng thấy một thế giới phong phú, bát ngát của muôn loài. Nội tự hào lắm, nhắn nhủ:
“Cháu thấy không. Chơi tem cũng như chạm tay vào kiến thức vậy. Càng tiếp xúc mới thấy mình biết ít, biết thiếu, biết chưa đủ. Sưu tầm tem là cháu đã có một cuốn bách khoa toàn thư đồ sộ rồi đó.”
Nó cười tươi roi rói. Vậy là nó đã đến với thú chơi tem như thế. Được Nội dìu dắt, chỉ bảo. Nhưng còn Nội?
Không kìm được, một hôm nó đem thắc mắc hỏi Nội: Nội ơi Nội, Nội bắt đầu chơi tem từ khi nào Nội nhỉ.
Nội nghe vậy chẳng nói gì. Chỉ lẳng lặng mở hộc tủ lấy ra một xấp phong bì dày cộm để lên bàn.
“Cháu yêu. Để Nội cho cháu hay. Trên đời, tình bạn là thứ quý giá vô cùng. Với tem nhiều khi cháu còn có thể mua qua bán lại, trao đổi tùy thích. Nhưng bạn bè thì không…”
Mắt Nội rưng rưng như chìm vào một ký ức xa xôi lắm. Thuở ấy, điện thoại còn hiếm, càng không có Internet, chẳng e-mail, cũng đâu ai biết chát chít. Ở xa muốn liên lạc hỏi thăm nhau chỉ có thể qua những bức thư tay dài ba bốn trang liền. Thư tay có lẽ sẽ là một khái niệm xa lạ với những đứa trẻ bằng tuổi thằng bé bây giờ hoặc nhỏ hơn nữa. Một viễn cảnh được vẽ ra trước mắt khi Nội chợm hình dung ngày nào đó người ta không còn cặm cụi với cây bút và tờ giấy, ghi những lời tâm sự, kể chuyện buồn chuyện vui cho người ở phương xa biết tin, đang cách trở hai đầu không dịp gặp gỡ. Đâu còn nữa, khi giờ đây trên bàn là cái laptop vô hồn. Chỉ vài cú click chuột, gõ gõ đôi ba dòng, một chiếc e-mail đã được bắn đi xa tít, qua nửa vòng trái đất, vào một cái máy tính khác. Nhanh lẹ chỉ trong vài cái chớp mắt thôi.
“Gửi một bức thư có lúc nhanh lúc chậm. Nhanh thì chỉ một hai ngày là đến nơi. Chậm chạp có khi đôi ba tuần không tăm hơi đâu hết, sốt ruột ngày nào Nội cũng ra ngóng người đưa thư đến. Lắm lúc tiu nghỉu đi vào…”
Nhưng chính sự chờ đợi trông ngóng đó lại là một thứ cảm giác tuyệt vời mà người sống ở thời đại điện tử sẽ khó còn mong thấy nữa. Không viết tay, không giấy, không bút, không phong bì, không tem thư, không bưu điện…. Chỉ còn lại những dòng mail, chát nhiều lúc không bỏ dấu, ngắn ngủi, cụt ngủn đến chạnh lòng.
“Bọn trẻ các cháu sẽ mất đi nhiều lắm những trải nghiệm quý giá của cuộc đời. Nội sưu tập tem một phần để thỏa mãn niềm đam mê. Nhưng tất cả những người yêu tem chân chính đều biết rằng họ chơi tem để nối kết quá khứ và tương lai…”
Chơi tem là để nối kết giữa quá khứ và tương lai. Nó lại nhìn Nội với hai mắt tròn xoe. Nội đưa xấp bì thư cho nó. Nhiều cái đã cũ lắm rồi, sờn góc, quăn queo. Vài cái khác còn rất mới, chỉ vừa được gửi đến gần đây. Cái còn nguyên con tem trên bì thư. Cái đã được Nội nhẹ nhàng ngâm nước cho tem tróc ra, bổ sung vào bộ sưu tập.
Trên bì thư đều đề tên người gửi là một. Người nhận là Nội.
“Nội có một người bạn thân nhau từ những tháng năm ở cùng đơn vị. Chiến tranh qua đi. Ngày hòa bình người Nam kẻ Bắc. Bao nhiêu năm trôi qua, vẫn giữ liên lạc cho đến tận bây giờ…”
Nó thấy một bì thư mới nhất. Nét chữ khác trên những phong bì còn lại.
“Từ những lá thư này, niềm đam mê của Nội đã trỗi dậy. Mới đầu chỉ để lưu lại những con tem đã làm nhiệm vụ gửi gắm tin tức qua lại cho hai ông già. Rồi càng ngày, Nội càng nhận ra từng con tem có vẻ đẹp riêng, tuy bé nhỏ nhưng đều mang giá trị đáng trân trọng.”

° ° °
Nội ra bưu điện gửi điện hoa. Trông Nội tiều tụy và buồn bã lắm. Mẹ nó bảo bạn của Nội vừa mất. Người bạn mà tận đến lúc nhắm mắt hai người vẫn không có dịp gặp lại nhau. Ông cựu chiến binh ấy lâm bệnh gần chục năm nay, chỉ ngồi xe lăn, ngày ngày mở cửa sổ nhìn ra khu vườn, tập tành làm thơ, rồi viết thư tâm tình với Nội.
Tôi sẽ ra thăm anh, nhất định thế! 
Lá thư nào Nội gửi cho bạn cũng có cùng một câu kết. Nhất định mà, chờ tôi nhé. Nội cứ lần lữa, cho đến lúc có điều kiện đi máy bay ra thì nào còn kịp nữa. Phải chi những tháng năm trước Nội thu xếp công việc, giải quyết chuyện nhà, lo cho con đi học đi làm, dựng vợ gả chồng mau mau… Phải chi thời gian không lướt đi như sóng vỗ, cuốn phăng hết cả tuổi trẻ, sức lực, sự minh mẫn của đầu óc….
Lá thư cuối cùng Nội nhận được là của con gái ông bạn tâm giao.
Bố cháu đi rồi bác ạ. Bố cháu kể về bác rất nhiều. Về những ngày bố và bác gian khổ trong chiến tranh. Bao nhiêu thư từ bác gửi, bố cháu đều giữ lại, những con tem trên phong bì làm thành bộ sưu tập đủ mọi đề tài. Bố bảo giá mà bác ra được sớm, hai người sẽ cùng ngồi trao đổi những con tem có được, và bình luận về cái hay cái đẹp của tem thư… 
Nội nói với mẹ của nó:
“Đặt vé máy bay cho bố. Mai bố bay ra ngồi hàn huyên với bạn, chơi tem với bạn, chiêm ngưỡng bộ sưu tập của bạn…”.


(theo mvatoi )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến